Theo thầy đồng Kuo, Apple đang phát triển một công nghệ mới để đưa FaceID iPhone xuống dưới màn hình và loại bỏ hoàn toàn tai thỏ trên iPhone.
Dù là nơi đặt các cảm biến mang đến tính năng FaceID, nhưng từ khi ra mắt vào năm 2017 đến nay, thiết kế tai thỏ trên màn hình iPhone vẫn là đề tài gây tranh cãi và nhất là khi nó đã tồn tại khá lâu trên smartphone. Nếu bạn là người dùng iPhone nhưng không muốn nhìn thấy “vết khuyết” trên màn hình đó mỗi ngày thì có lẽ bạn nên kiên nhẫn chờ đến năm sau, có thể nỗi khó chịu của bạn sẽ biến mất.
Theo báo cáo mới của nhà phân tích Ming-Chi Kuo, trong khi iPhone của năm 2021 mới chỉ thu nhỏ hơn nữa tai thỏ trên màn hình thì đến năm 2022, Apple đang lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn “vết khuyết” này bằng các công nghệ mới của mình.
Để làm được điều đó, ông Kuo dự báo rằng, Apple đang phát triển hệ thống FaceID nằm bên dưới màn hình. Đây là lần đầu tiên, ông Kuo đưa ra dự báo về sự xuất hiện của công nghệ này trên iPhone.
Trước đó, ông Kuo còn dự báo rằng, sẽ có ít nhất một phiên bản iPhone cao cấp của năm 2023 được trang bị máy quét vân tay dưới màn hình và một màn hình thực sự toàn vẹn. Mặc dù vậy, ông Kuo không cho biết liệu Apple có cùng lúc trang bị cả công nghệ TouchID và FaceID dưới màn hình trên một phiên bản iPhone không, hay công nghệ FaceID dưới màn hình chỉ dành riêng cho các thiết bị cao cấp.
Từ góc độ kỹ thuật, để trang bị hệ thống nhận diện gương mặt dưới màn hình, cần phải có các công cụ cao cấp hơn, để hệ thống camera TrueDepth có thể đọc và nhận diện được gương mặt khi “nhìn” xuyên qua các pixel dày đặc trên màn hình mà không bị méo mó hoặc sai lệch.
Bên cạnh nâng cấp về hệ thống nhận diện gương mặt dưới màn hình, ông Kuo còn dự báo iPhone của năm 2022 sẽ trang bị hệ thống ống kính tiềm vọng cho camera sau với cảm biến chụp ảnh lớn 48MP. Đây là một thay đổi đáng kể so với cảm biến 12MP vẫn đang được sử dụng trên camera chính của iPhone từ nhiều năm nay.
Theo ông Kuo, cảm biến chụp ảnh mới không chỉ cho phép người dùng ghi hình ở độ phân giải 8K mà còn “phù hợp hơn với các thiết bị AR/MR (thực tế tăng cường và thực tế hỗn hợp).”